5 cấp độ để trở thành một nhà lãnh đạo vĩ đại

5 CẤP ĐỘ CỦA MỘT NHÀ LÃNH ĐẠO

Bất kì một vai trò, một chức vụ nào cũng đều có những phương thức để đo tầm ảnh hưởng và hiệu quả, và lãnh đạo cũng không phải là một ngoại lệ. Chuyên gia nghiên cứu nghệ thuật lãnh đạo John Maxwell đã chỉ ra 5 cấp độ mà một nhà lãnh đạo có thể trải qua trong sự nghiệp, và đây có thể coi là thước đo để đánh giá sự thành công của một nhà lãnh đạo. Ông cho rằng “Lãnh đạo không đơn giản là một vị trí, nó là cả một quá trình phấn đấu”, đồng thời nhấn mạnh khi bạn nâng được cấp độ lãnh đạo của mình, bạn sẽ tạo dựng được nhiều ảnh hưởng đến người khác hơn, dẫn đến việc công việc sẽ đạt được hiệu quả cao hơn.

Thang đo nghệ thuật lãnh đạo của Maxwell.
Thang đo nghệ thuật lãnh đạo của Maxwell.

Cấp độ 1: Chức vị (Position level)

Đây là xuất phát điểm dành cho tất cả những ai đã, đang, và sẽ trở thành một nhà lãnh đạo. Sau một thời gian cống hiến, đem lại nhiều lợi nhuận cho công ty, bạn bắt đầu được thăng tiến lên một vị trí cao hơn. Bạn bắt đầu sở hữu những nhân viên của riêng mình, cùng với áp lực cao hơn. Việc ở lại vị trí này ngắn hay dài tùy thuộc vào việc bạn có thể tiến lên bậc thang cao hơn hay không. Lưu ý rằng từ khóa quan trọng ở cấp bậc này là “quyền hành”, tức là bạn chỉ đơn giản khiến người khác nghe theo vì bạn có chức vị cao hơn. Tuy nhiên, con người thường không muốn phải tuân theo ai chỉ vì họ buộc phải làm thế. Maxwell chỉ ra rằng “Có vị trí cao không khiến bạn trở thành nhà lãnh đạo”, việc ở lại vị trí này lâu dài sẽ khiến cho cấp dưới không nể phục, dẫn đến việc không có được sự tận tụy, khả năng và trách nhiệm của nhân viên. Luôn nỗ lực phấn đấu, luôn khiêm tốn chính là việc bạn cần làm để có thể tiến lên các cấp độ cao hơn.
Cấp độ 1 – Đơn giản là vị trí cao hơn người khác.
Cấp độ 1 – Đơn giản là vị trí cao hơn người khác.

Cấp độ 2: Sự chấp thuận (Permission level)

Từ khóa của cấp độ này chính là “các mối quan hệ”. Để chạm được đến cấp độ này, bạn sẽ học cách lắng nghe nhân viên, tìm hiểu xem họ cần gì và không hài lòng ở điều gì. Tiếp đó hãy quan sát, nắm thông tin về việc nhân viên của mình đang làm gì, có gặp khó khăn gì không. Hãy luyện tập để luôn có thái độ giúp đỡ, sẵn sàng “phục vụ”. Luôn khắc ghi rằng các mối quan hệ chính là nền móng vững chắc để xây dựng thành quả sau này. Không một nhà lãnh đạo nào trên thế giới có thể thành công bằng cách làm việc một mình. Tạo dựng được các mối quan hệ sẽ chuyển đổi việc mọi người nghe theo bạn từ “họ phải theo” thành “họ muốn theo”. Bước tiến lớn nhất bạn đạt được trong cấp độ này chính là việc bạn đã kết nối được mọi người với nhau, hòa nhập với cấp dưới của mình, và khiến họ muốn nghe theo bạn. Tuy nhiên Maxwell cũng cảnh báo không nên ở lại quá lâu ở cấp độ này, bởi “Ở lại quá lâu sẽ khiến những người có động lực cao trở nên hiếu động không cần thiết”.
Cấp độ 2 – Các mối quan hệ đã được hoàn chỉnh.
Cấp độ 2 – Các mối quan hệ đã được hoàn chỉnh.

Cấp độ 3: Làm gương (Production level)

Kết quả vẫn là một trong những yếu tố cần thiết để xác định xem bạn có thực sự là một nhà lãnh đạo hiệu quả không. Để đến được với cấp độ này, nhà lãnh đạo cần phải thực sự chứng tỏ được năng lực của bản thân, bởi “nỗ lực phấn đấu” bây giờ không còn là đủ. Bạn cần phải trở thành một hình mẫu lý tưởng với năng suất làm việc luôn ở mức cao; khiến cho mọi người phải tâm phục khẩu phục vì những lợi ích, những kết quả mà bạn đã đem đến cho công ty. Chắc chắn ai cũng sẽ muốn đi theo người sẽ mang đến thành công hay kết quả cuối cùng, không ai muốn đi theo người không thể mang lại gì. Ở cấp độ này, bạn đã khiến cho mọi người luôn “cảm nhận được sự thành công”. Họ thích bạn, thích nhiệm vụ của bạn, họ tin rằng các vấn đề luôn được giải quyết một cách triệt để dưới sự chỉ đạo của bạn. Cấp độ này cũng đánh dấu việc bạn đã thực sự trở thành một nhà lãnh đạo tốt, cũng như sự chỉ đạo của bạn đã đem đến những thành quả nhất định.
Cấp độ 3 – Trở thành động lực cho người khác.
Cấp độ 3 – Trở thành động lực cho người khác.

Cấp độ 4: Phát triển nhân lực (People development)

Nếu mong muốn tổ chức của bạn luôn phát triển và vững mạnh trong tất cả các giai đoạn, cấp độ 4 chính là mức bạn cần phải đạt được. Việc phát triển nhân lực không chỉ đơn thuần nằm ở cách sắp xếp các vị trí nhân sự một cách hợp lý để phát huy tối đa khả năng của từng cá nhân, mà nó còn nằm ở việc có thể tạo ra được các thế hệ lãnh đạo tiếp theo. Một nhà lãnh đạo giỏi không thể mang đến sự thịnh vượng lâu dài, cần phải có một tập thể lãnh đạo giỏi để làm được việc này. Maxwell luôn đề cao việc đào tạo lãnh đạo kế nhiệm bằng cách để họ theo sát, học hỏi, và cuối cùng là để họ tự làm và bạn sẽ là người ở bên hướng dẫn những lúc thực sự cần thiết. Những bài học, những kinh nghiệm, những đóng góp mà bạn dành cho nhân viên bây giờ đã trở thành những yếu tố tiên quyết để mọi người đi theo bạn, ủng hộ bạn.
Cấp độ 4 – Người dẫn lối cho sự phát triển của nhân viên
Cấp độ 4 – Người dẫn lối cho sự phát triển của nhân viên

Cấp độ 5: Đỉnh cao (Pinnacle level)

Không cần nhiều lời giải thích cho cấp độ này. Đơn giản là mọi người nghe thấy tên bạn, biết bạn đại diện cho tổ chức nào, và đi theo sự lãnh đạo của bạn vô điều kiện. Đây chính là cấp độ cao nhất trong thang đo nghệ thuật lãnh đạo của Maxwell. Tất cả mọi người đều dành sự tôn trọng cho bạn vì họ đã biết về quá nhiều đóng góp mà bạn dành cho cả nhân viên và tổ chức. Hiển nhiên để đạt được đến cấp độ này là vô cùng khó khăn, và trên thực tế thì chỉ có số ít những nhà lãnh đạo có thể gây được tầm ảnh hưởng rộng lớn đến vậy. Maxwell cho rằng “Chỉ những nhà lãnh đạo đã dành nhiều năm phát triển con người và tổ chức mới có khả năng chạm đến cấp bậc này”. Bạn cần phải có được sự nhiệt huyết và cố gắng không ngừng nghỉ trong một khoảng thời gian rất dài, cùng với đó là một chút may mắn để có thể lên được đến cấp bậc này. Tuy nhiên thành quả mà nó đem lại sẽ thực sự vô cùng tuyệt vời, khi bạn trở thành biểu tượng của một tổ chức, hay đại diện cho một giá trị riêng biệt.
Steve Jobs – ví dụ điển hình của một nhà lãnh đạo cấp 5
Steve Jobs – Ví dụ điển hình của một nhà lãnh đạo cấp 5
Cần biết rằng mỗi nhân viên khác nhau thì họ lại đánh giá nhà lãnh đạo theo cấp độ khác nhau (trừ cấp độ 5 do quá dễ để nhận biết). Đối với những nhân viên đã làm việc lâu năm thì nhà lãnh đạo có thể ở cấp độ thứ tư, nhưng đối với những nhân viên mới vào làm thì nhà lãnh đạo chỉ có thể ở cấp độ đầu tiên.
Do đó, một nhà lãnh đạo thực thụ chính là người khám phá được mình đang ở cấp độ nào đối với nhân viên để từ đó tìm ra cách dẫn dắt họ phù hợp nhất. Cương vị lãnh đạo luôn có sức ảnh hưởng nhất định, và bạn chính là người nắm trong tay sức mạnh làm gia tăng ảnh hưởng ấy. Vì vậy một khi đã có cơ hội được nắm giữ quyền lực trong tay, hãy luôn luôn cố gắng học hỏi mọi điều xung quanh và đặt hết mọi nỗ lực vào công việc của mình.
Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *